Những thay đổi của bất động sản TP. Thủ Đức thời gian vừa rồi khiến nhiều người luôn trong tư thế sẵn sàng nhảy vào thị trường để kiếm lời nhanh. Với 3 tỷ đồng, đâu sẽ là lựa chọn phù hợp khi mặt bằng giá chung tại đây đã khá cao. Đâu sẽ là khu vực mà nhà đầu tư nên tránh?

Với 3 tỷ đồng, nên và không nên đầu tư gì ở TP. Thủ Đức?

Lựa chọn không nên là phường Trường Thọ – trung tâm mới của TP. Thủ Đức, ông Trần Minh Quang, R&D Đất xanh miền Nam chia sẻ trong chương trình “Có hẹn với chuyên gia bất động sản” của Batdongsan.com.vn. Nguyên nhân là bởi bất động sản tại đây không nhiều, giá đất cũng rất cao và ổn định từ trước khi lên thành phố. Vì vậy, tỉ lệ tăng giá trong tương lai là rất ít với khả năng tăng giá thấp. 

Thay vì vậy, nhà đầu tư có thể chuyển hướng đến khu vực phường Linh Xuân, Linh Trung hoặc một số khu vực thuộc phường Phú Hữu, quận 9. Chẳng hạn trên đường Nguyễn Duy Trinh, Bưng Ông Thoàn… trong bán kính khoảng 9-10km xung quanh trung tâm TP.HCM có quy hoạch cơ sở hạ tầng khá đẹp, có nhiều khu biệt thự, villa. Ở đây, có 2 lựa chọn người mua có thể cân nhắc:

Thứ nhất, nếu có tài chính vững, hướng đến nhóm khách hàng có nhu cầu mức sống cao, nhà đầu tư có thể chọn các villa trong khu compound, tầm giá khoảng 65-85 triệu/m2 tùy vị trí.

Thứ hai, nếu có số vốn khiêm tốn hơn và khách hàng hướng đến là những người thích lối sống tự do thì nhà đầu tư có thể chọn đất dân ở phường Phú Hữu hoặc một số khu tương đương, giá trung bình hiện nay là 55-60 triệu/m2, vị trí đẹp có thể lên đến 65-70 triệu/m2. Rẻ hơn là phường Long Trường – khu vực hiện vẫn còn nhiều đất, mức giá xoay quanh 45 triệu/m2. Nhìn chung, nếu dịch chuyển thêm 3-5km thì đất sẽ có khung giá khác.

 

  1. Thủ Đức được sáp nhập từ quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Ảnh: TTO

Ông Quang lưu ý các nhà đầu tư không nên chỉ tập trung chọn những vùng trung tâm đã có giá cao mà nên đi đến những vùng ven hơn, tiềm năng tang giá sẽ cao hơn.

Hoặc mới đây, nói về cơ hội đầu tư tại TP.HCM và vùng ven, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và phát triển DKRA cũng đưa ra một vài gợi ý. Đó có thể là đất nền hoặc cũng có thể là chung cư, chẳng hạn như ở Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) – khu vực tiếp giáp trực tiếp với TP. Thủ Đức.

Một số dự án hạ tầng lớn tại TP. Thủ Đức

Các dự án hạ tầng đang và sắp được triển khai sẽ thúc đẩy lực phát triển cho bất cứ địa phương nào và là cơ sở cho các nhà đầu tư đánh giá. Vậy TP. Thủ Đức mới hiện có những dự án lớn nào?

Đường vành đai 2: Đây là tuyến đường bộ đô thị khép kín theo vòng tròn ở TP HCM với tổng chiều dài gần 70km. Dự án đi qua các quận 2, 7, 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Dự án hiện vẫn chưa có sự tiến triển dù được phê duyệt đầu tư 14 năm trước.

Đường Vành đai 3: Dự án được phê duyệt quy hoạch cách đây 10 năm. Tuyến đường có chiều dài khoảng 90km nối TP.HCM với nhiều tỉnh thành như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… Đến nay mới chỉ có khoảng 16km đoạn từ Tân Vạn – Bình Chuẩn (Bình Dương) đã hoàn thành và đưa vào khai thác.

Xa lộ Hà Nội: Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối TP. Thủ Đức với trung tâm TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai. Năm 2010, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội được triển khai với chiều dài 15,7km từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn (Dĩ An, Bình Dương).

Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên): Đây là tuyến đường chạy song song với Xa lộ Hà Nội. Trong tổng chiều dài gần 20 có hơn 13km đi qua địa bàn TP. Thủ Đức. Theo kế hoạch, dự án sẽ chạy thử tàu đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và năm 2022 sẽ hướng đến khai thác thương mại.

Cầu Thủ Thiêm 2: Cầu được thiết kế gồm 6 làn xe với tổng chiều dài 1.465m, được động móng từ năm 2015 đến nay vẫn chưa hoàn thành do gặp phải các vấn đề về mặt bằng. Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết đến giữa năm 2022, dự án mới được đưa vào khai thác nhưng với điều kiện có mặt bằng sạch phía quận 1 trong tháng 6 năm nay. 

Ngoài những dự án trên cũng có khá nhiều dự án hạ tầng khác đang và sẽ được lên kế hoạch triển khai. Nhà đầu tư cần đánh giá, cân nhắc và lựa chọn sản phẩm kỹ càng dựa trên số vốn của mình.