Hôm 2.3, Bộ Xây dựng cho biết đã trình bản mới nhất dự thảo luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi lên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo dự thảo của luật này, các tổ chức, cá nhân khi muốn kinh doanh bất động sản bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Vốn pháp định do Chính phủ quy định, không được thấp hơn 20 tỉ đồng. Nếu việc kinh doanh bất động sản không thường xuyên, quy mô nhỏ thì không bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh nhưng phải kê khai, nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.

“Luật Đầu tư 2020 đã sửa đổi quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014; trong đó, bỏ điều kiện “có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng”. Như vậy, theo luật mới thì Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản chỉ phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên) mà không cần đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định.” – Đây là chia sẻ của Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.

 

 

Dự thảo luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi lần này cũng tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản không nhất định phải thông qua sàn giao dịch; còn về môi giới bất động sản bắt buộc phải có giấy phép hành nghề do Bộ Xây dựng sát hạch và cấp. Điều kiện để được xét duyệt và cấp giấy phép là cá nhân người xin cấp phải có trình độ từ đại học trở lên.

So với quy định hiện hành là chủ đầu tư chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn thì điểm mới trong dự thảo luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi lần này là cho phép chủ đầu tư được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai. Điều này tạo điều kiện cho các chủ đầu tư kêu gọi vốn, khai thác từng phần công trình trong quá trình xây dựng; người thuê có thể tham gia đóng góp ý kiến cùng với chủ đầu tư dự án trong việc hoàn thiện thiết kế, giám sát quá trình thi công xây dựng để hoàn thiện bất động sản. Giúp cho người thuê không phải tốn kém, mất thời gian, lãng phí cho việc cải tạo, sửa chữa lại cho phù hợp với công năng, mục đích, yêu cầu sử dụng của mình.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản giống các tổ chức, cá nhân trong nước là một trong những điểm mới của dự thảo. Cụ thể tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản theo 4 hình thức sau:

  • Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán hoặc cho thuê, cho thuê mua.
  • Thuê nhà, công trình xây dựng sau đó cho thuê lại.
  • Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trên đất đã thuê sau đó cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật đã làm trước đó
  • Thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020 cũng sửa đổi quy định về thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, cụ thể:

– Đối với dự án bất động sản được chấp thuận nhà đầu tư hoặc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, thẩm quyền, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

– Đối với dự án bất động sản không thuộc trường hợp nêu trên, thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản thực hiện như sau:

+ UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đối với dự án do UBND cấp tỉnh quyết định việc đầu tư;

+ Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư.